Ông Lê Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Xây dựng Đà Nẵng cho biết: Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào cuối năm 2016 vừa qua. Hiện nay Chính phủ và Bộ Xây dựng vẫn chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn nào đối với đề án này. Tuy nhiên, với vai trò tiên phong, đổi mới công tác ứng dụng thông tin trong hoạt động xây dựng, Hội Xây dựng Đà Nẵng đã lựa chọn những nơi uy tín để hướng dẫn, tuyên truyền cho các hội viên về những ứng dụng mới này nhằm nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn cho các hội viên, đáp ứng được yêu cầu chuyên môn cao trong thời gian đến.
Việc ứng dụng BIM với mục tiêu tiết kiệm ít nhất 30% về chi phí về vật liệu xây dựng và thời gian thi công xây dựng. Đồng thời tạo được sự minh bạch trong công tác quản lý chất lượng cũng như công tác quản lý vận hành công trình.
Theo lộ trình của Đề án, từ năm 2017-2019 sẽ tổ chức đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp áp dụng BIM. Tiến tới xây dựng hành lang pháp lý để áp dụng BIM, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kỹ thuật liên quan. Từ năm 2018-2020 sẽ triển khai áp dụng thí điểm 20 công trình xây dựng mới cấp I trở lên thuộc dự án xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác trên cơ sở tự nguyện. Năm 2021 sẽ tổng kết, đánh giá việc thí điểm trên và hoàn thành các bước để áp dụng rộng rãi trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Ứng dụng BIM trong hoạt động xây dựng được nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng như Anh, Pháp, Mỹ, Singapore… BIM là một ứng dụng thay thế thiết kế xây dựng truyền thống từ xưa tới nay phần lớn chỉ được thể hiện bằng bản vẽ hai chiều trên giấy như bản vẽ mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, chi tiết.
Tiến sỹ Lê Hùng Tiến giới thiệu tổng quan về BIM và các vấn đề liên quan triển khai thực hiện Đề án cho các hội viên Hội Xây dựng Đà Nẵng.
BIM là một hồ sơ thiết kế gồm những tập tin hay dữ liệu kỹ thuật số, chứa các mối liên hệ logic về mặt không gian, kích thước, số lượng, vật liệu của từng cấu kiện, bộ phận trong công trình. Những thông tin này được trao đổi và kết nối trực tuyến với nhau thông qua các phần mềm, để hỗ trợ cho việc quản lý và ra những quyết định liên quan tới công trình. Việc kết hợp các thông tin về các bộ phận trong công trình với các thông tin khác như định mức, đơn giá, tiến độ thi công… sẽ tạo nên một mô hình thực tại ảo của công trình, nhằm mục đích tối ưu hóa thiết kế, thi công, vận hành quản lý công trình.
Những phần mềm hỗ trợ BIM được sử dụng bởi các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý để lên phương án, thiết kế, thi công, vận hành và bảo dưỡng nhiều hạng mục công trình xây dựng hay cơ sở hạ tầng khác nhau như: hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, hệ thống cung cấp điện, khí đốt, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống đường giao thông, cầu, cảng, nhà ở, căn hộ, trường học, cửa hàng, văn phòng, nhà xưởng,… Một số phần mềm hỗ trợ BIM được sử dụng tương đối phổ biến có thể kể tới Autodesk Revit Architecture & Structure, Tekla Structure.
Theo Nguyễn Nam/ baoxaydung
"Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng, tên tiếng Anh: DaNang Construction Association là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các cá nhân và tập thể là công dân Việt Nam đã và đang công tác trong ngành xây dựng cùng nhau đoàn kết phấn đấu góp phần xây dựng ngành Xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển.